Dẫu cho những kịch bản thuần hư cấu của phim Việt vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được khán giả, nhưng các nhà làm phim Việt đương đại lại vô tình quên mất một “nguồn cung” khác: những bộ phim dựa trên các nhân vật có thật.
Chúng ta đã có Chàng Trai Năm Ấy dựa trên cuộc đời của Wanbi Tuấn Anh hay Fan Cuồng với bóng dáng của Trần Lập. Thế nhưng còn rất nhiều những nhân vật đương đại mà sức hút từ những câu chuyện của họ là không thể chối cãi.Và một bộ phim về những nhân vật như thế hứa hẹn sẽ hút khách vì tính gợi cảm hứng cũng như sự li kì không kém bất kì tác phẩm hư cấu nào.
1. Cụ Xuân và cuộc tình vọng phu đẹp rúng động
Những ngày đầu năm nay, cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện về cụ Nguyễn Thị Xuân, nhân vật đã nhận được chiếp cúp của top 5 nhân vật Truyền cảm hứng trong khuôn khổ giải thưởng truyền cảm hứng WeChoice 2017. Cụ Xuân khiến tất thảy chúng ta rúng động con tim vì đã chờ đợi để được gặp lại chồng, ông Shimizu, suốt tận 52 năm. Bà gặp ông trong chiến tranh và nên duyên vợ chồng. Sau đó ông phải quay về Nhật Bản. Suốt 52 năm, bà đã chờ ông để rồi khi biết ông đã đi bước nữa, bà vẫn không hề oán giận.
Năm 2017, ông Shimizu qua đời, bà đã nhờ con cháu đem hài cốt của ông về bên mình.
Thế là, sau hơn nửa đời người sống trong chờ đợi, cụ Xuân đã chờ được đến ngày ông Shimizu về bên mình. Hằng đêm, mỗi khi ngủ cụ đều ôm gối nhỏ bên trong có một chiếc áo quân phục Nhật Bản được khoác ngoài lá cờ Việt Nam để lúc nào cũng như có ông đang bên cạnh.
Nghe cụ bà 94 tuổi kể chuyện “tình yêu xanh mượt” thời ông bà anh
Câu hát “Vì trong tình yêu không cần thiết phải ở cạnh nhau trọn đời anh ơi. Hãy nghĩ về nhau, về những điều rất đẹp” của Phạm Hồng Phước có lẽ đã phần nào lột tả được tình yêu tha thiết, đầy bao dung của cụ Xuân dành cho chồng.
Khi nghĩ về chiến tranh, người ta sẽ nghĩ về những tổn thương đã gây ra. Nhưng bằng tình yêu, sự bao dung, chúng ta sẽ vượt qua những nỗi đau trong quá khứ để bắt tay nhau làm nên một ngày mai tươi sáng. Câu chuyện của cụ Xuân không chỉ gói gọn trong tình yêu nam nữ, mà còn hàm chứa những bài học đầy nhân văn. Giữa một thời đại vội vã, nơi con người bị cuốn đi trong vòng xoáy vật chất, cần lắm những bộ phim về những người như cụ, chỉ để xoa dịu và trấn an chúng ta rằng : Có tình yêu rồi thì mọi thứ sẽ ổn thôi.
2. Tinh thần phiêu lưu của Trần Đặng Đăng Khoa
Người ta thường trách giới trẻ hiện nay sống quá nhạt nhòa, hoặc quá đề cao trải nghiệm mà thiếu tính toán hợp lý. Thế thì một bộ phim dựng về một người thật việc thật dựa trên chuyến đi cũng Đăng Khoa, hẳn là một bài học quý giá để khán giả trẻ có thể cân bằng giữa lý trí và đam mê.
Hãy tưởng tượng một tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại hành trình lấy cảm hứng từ nhân vật đáng ngưỡng mộ này, được quay trải dài từ Bắc chí Nam thôi, không cần phải đi nước ngoài làm gì thì cũng đã rất thú vị rồi.
Hành trình phượt xe máy vòng quanh thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa: Nếu có ước mơ, hãy thực hiện nó ngay ngày hôm nay!
3. Những bước chân thần kì có tên Cơ Nghiệp
Thuộc nhóm những người mang hai tiếng Việt Nam ra nước ngoài, anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có một cuộc đời đầy kịch tính và li kì như những bước đi trên sân khấu của họ vậy.
Năm 2017, Giang Brothers Việt Nam chính thức là người phá vỡ và nắm giữ kỷ lục Guinness thế giới về mục chống đầu giữ thăng bằng đi lên cầu thang tại nhà thờ Girona 90 bậc trong vòng 52 giây. Sau đó, họ tiến vào đến vòng chung kết Britain’s got talents 2018 nhờ vào một tiết mục đầy nguy hiểm:
Hành trình truyền cảm hứng của anh em Quốc Nghiệp – Quốc Cơ
Người ta chỉ thấy hồi hộp khi Quốc Cơ đi bước cuối cùng trong tiết mục ấy. Thế nhưng đằng sau một bước đi thành công ấy, là những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần của cả hai anh em khi luyện tập. Quốc Nghiệp từng bị ngã và chấn thương nặng ở cổ. Quốc Cơ, là anh cả và cũng là người đỡ bên dưới đã phải chịu dày vò về tinh thần khi chứng kiến những nỗi đau ấy.
Hành trình đầy máu, nước mắt, vinh quang và đau khổ ấy rõ ràng là một chất liệu mà không một nhà làm phim nào có thể bỏ qua.
Trong bộ phim Wag the dog của Barry Levinson, nhân vật Dustin Hoffman đã nói : “Làm sao ta có thể nói đến chiến tranh mà thiếu đi anh hùng?”. Thực vậy, nền văn hóa đương đại của Việt Nam đang thiếu những chất liệu hấp dẫn để có thể chống chọi trước cơn lũ từ các nền văn hóa khác. Và những người như cụ Xuân, hay Trần Đăng Đăng Khoa và anh em Cơ Nghiệp và rất nhiều những nhân vật khác nữa như anh đánh giày câm và chú chó mù, Thủy Muối, đội tuyển U23… với những câu chuyện đặc sắc của cuộc đời mình, chính là những anh hùng nơi tuyến đầu của cuộc chiến văn hóa này.